top of page
  • Ảnh của tác giảThủy Trần

Mẹo “chữa bệnh” quên tiếng Anh

Bạn có gặp phải tình trạng “học trước quên sau” khi học tiếng Anh không? Nếu có, đừng vội lo lắng hay đổ lỗi cho bản thân, vì rất có thể bạn chỉ đang chưa tìm ra phương pháp học phù hợp nhất. Trong bài viết này, hãy cùng Work Smart khám phá các mẹo “chữa bệnh” quên tiếng Anh mà bạn nên áp dụng ngay hôm nay nhé!


1. Tại Sao Bạn Hay Quên Tiếng Anh?


Nếu bạn là người thường xuyên “học trước quên sau” khi học tiếng Anh, đừng vội đổ lỗi cho bản thân rằng do bạn kém cỏi, hay do bạn không có năng khiếu.


Theo một nghiên cứu được thực hiện tại trường đại học Waterloo – Canada, giả sử ngày đầu tiên bạn nạp vào bộ nhớ 100% lượng thông tin, thì sang ngày thì thứ 2, lượng thông tin ấy sẽ chỉ còn khoảng 50% – 80%. Cho đến ngày thứ 30, trong bộ nhớ của bạn sẽ chỉ còn lưu trữ 2% – 3% lượng thông tin ban đầu mà bạn đã nạp vào mà thôi.


Các nhà khoa học đã gọi đây là quá trình “quên tự nhiên” mà bất cứ ai cũng gặp phải, không riêng mình bạn (trừ khi bạn có một trí nhớ siêu phàm, hay bạn là một thiên tài với chỉ số IQ cao chót vót).


Quá trình “quên tự nhiên” chính là cơ chế hoạt động của não bộ để loại bỏ những thông tin mà não bộ cảm thấy không cần thiết. Chính vì thế, nếu bạn có lỡ quên vài từ vựng tiếng Anh hay cấu trúc ngữ pháp đã học, bạn cũng đừng vội trách bản thân mình nhé!


2. Làm Thế Nào Để Không Quên Tiếng Anh?


Năm 1963, nhà tâm lý học Melton A. W. đã chỉ ra rằng bộ nhớ của con người học tập và tiếp nhận thông tin theo một quy trình gồm 3 bước: mã hoá, lưu trữ và nhắc lại.


Khi bạn bắt gặp một sự kiện hay một thông tin nào đó, não bộ của bạn sẽ vô thức chuyển đổi các thông tin này thành các “dạng” như hình ảnh, âm thanh, cảm giác, ý nghĩa,… để dễ tiếp nhận hơn.


Thông tin sau khi được tiếp nhận sẽ được lưu trữ tại các vùng khác nhau trong não bộ, xây dựng các kết nối thần kinh để tạo nên trí nhớ. Cuối cùng, não bộ sẽ thường xuyên nhắc lại, củng cố những kết nối này để bạn ghi nhớ lâu hơn.


Dựa trên cơ chế ghi nhớ trên của não bộ, dưới đây là một số gợi ý để bạn không quên tiếng Anh.


“Mã hoá” kiến thức tiếng Anh


Ký ức càng đặc biệt sẽ càng khó quên. Trong quá trình chọn lọc thông tin, não bộ của bạn sẽ trục xuất những thông tin vô dụng để tập trung ghi nhớ những yếu tố cần thiết.


Mặt khác, các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng não bộ có xu hướng ghi nhớ hình ảnh và âm thanh nhanh hơn. Đó cũng là lý do vì sao hiện nay học tiếng Anh qua flashcard (dựa trên phương pháp hệ thống 5 môn của nhà báo Sebastian Leitner năm 1973) đang là một trong những cách học hiệu quả nhất.


Flashcard liên kết từ vựng với các hình ảnh liên quan, từ đó kích thích bạn nhớ từ lâu hơn.


Chính vì thế, để không quên tiếng Anh, bạn hãy học cách “mã hoá” các kiến thức khô khan thành các hình ảnh, âm thanh, câu chuyện hay cảm xúc. Ví dụ, bạn có thể tìm đọc các câu chuyện thú vị, nghe các bài hát, đoạn hội thoại chứa các từ mới hay cấu trúc tiếng Anh vừa học chẳng hạn.


Mẹo “chữa bệnh” quên tiếng Anh
Nguồn: Internet

Cố gắng tự ghi nhớ trước khi xem lại kiến thức


Kiến thức càng khó nhớ thì càng khó quên. Mỗi lần bạn muốn ôn lại kiến thức nào đó, trước khi đầu hàng và tìm xem lại bài học cũ, hãy cố gắng tự ghi nhớ trước nhé. Một khi bạn cố gắng nhớ và thực sự nhớ ra được kiến thức, bạn sẽ không bao giờ quên nó nữa.


Ôn tập định kỳ


Nếu bạn đã thử mọi cách mà vẫn quên tiếng Anh như thường, rất có thể bạn đã quên một bước cực kỳ quan trọng – ôn tập định kỳ (bước thứ 3 trong quá trình ghi nhớ thông tin).


Năm 1885, nhà tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus đã tiến hành thực nghiệm và cho ra đời phương pháp “Lặp lại ngắt quãng” (Spaced Repetition) dựa trên những lý thuyết về trí nhớ và năng lực học tập của não bộ con người.


Về cơ bản, phương pháp “lặp lại ngắt quãng” là tăng thời gian giữa những lần ôn tập thông tin cần nhớ.


Bạn không cần thiết phải ôn đi ôn lại kiến thức tiếng Anh quá nhiều lần trong một ngày, vừa mất thời gian mà vừa không hiệu quả. Thay vào đó, bạn chỉ cần ôn luyện vào lúc cần thiết nhất – lúc bạn chuẩn bị quên kiến thức.


“Lặp lại ngắt quãng” rất có hiệu quả trong việc cải thiện trí nhớ, và đặc biệt có hiệu quả trong việc học ngoại ngữ. Bạn chắc chắn sẽ thấy kết quả học tập tiến bộ rõ rệt nếu biết cách áp dụng đúng và thường xuyên.


Nếu bạn cũng đang gặp vấn đề với việc quên kiến thức tiếng Anh, trên đây là một số gợi ý để bạn ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Hãy thử áp dụng những các cách trên ngay hôm nay, và theo dõi xem khả năng ghi nhớ kiến thức của bạn được cải thiện như thế nào nhé.


Hãy chia sẻ bài viết này cho bạn bè, người thân, những người cũng đang gặp vấn đề “quên tiếng Anh” và đừng quên theo dõi Work Smart để nhận thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé!


Sưu tầm & Tổng hợp

4 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page