top of page
  • Ảnh của tác giảHRD

3 điều bạn cần biết về khả năng phục hồi, chịu đựng căng thẳng và sự linh hoạt trong công việc

Đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế, thay đổi cách chúng ta làm việc và giải quyết vấn đề. Nếu không có khả năng phục hồi, chịu đựng căng thẳng và sự linh hoạt người lao động sẽ rất khó để “ trụ vững” trước bất cứ biến động nào của thị trường. Vậy khả năng phục hồi, chịu động căng thẳng và sự linh hoạt là gì, làm sao để cải thiện kỹ năng này? Hãy cùng Work Smart tìm hiểu ngay sau đây!

1. Khả năng phục hồi, chịu đựng căng thẳng và tính linh hoạt là gì?

Khả năng phục hồi là khả năng điều chỉnh và thích nghi của con người trước sự thay đổi đột ngột nào đó. Những người có khả năng phục hồi có thể duy trì năng lượng và ý chí để vực dậy sau thất bại. Sự tự tin và cái nhìn tích cực cho phép họ xem khó khăn là cơ hội và thất bại là sự trưởng thành. Họ sẽ không chìm mãi trong nỗi buồn mà tiếp tục cố gắng để đạt được mục tiêu.

Căng thẳng là một phản ứng bình thường của cơ thể khi đối mặt với áp lực từ công việc, gia đình. Người có khả năng chịu đựng căng thẳng có thể chịu được và thậm chí có thể phát triển mạnh trong các tình huống áp lực cao. Họ vượt qua thách thức và giải quyết các vấn đề một cách nhanh gọn và dễ dàng trải qua những rắc rối. Trong công việc, những người chịu được căng thẳng luôn đem lại năng suất công việc cao, kiểm soát được cảm xúc của bản thân.

Sự linh hoạt là khả năng ứng phó, đánh giá tình huống bất ngờ mà ta vẫn giữ được sự bình tĩnh. Linh hoạt trong công việc cũng có nghĩa là bạn có thể thay đổi kế hoạch của mình và dễ dàng thích nghi với những tình huống mới.

Người có khả năng phục hồi, chịu được áp lực và linh hoạt trong công việc luôn biết cách làm chủ, giải quyết nhanh gọn mọi vấn đề. Kết hợp cùng kỹ năng chuyên môn sẽ giúp bạn nhanh chóng thành công trong công việc, đạt được nhiều thành tựu lớn. Đây cũng là những kỹ năng cần có của một người lãnh đạo tài ba.


Khả năng chịu đựng căng thẳng và linh hoạt trong công việc

2. Tầm quan trọng của khả năng phục hồi, chịu đựng căng thẳng và tính linh hoạt

Ta đang ở trong cách mạng công nghiệp 4.0, nơi đòi hỏi con người phải luôn luôn thay đổi để thích nghi với tình hình mới. Giả dụ bạn là người không chịu được căng thẳng, hay ỷ lại trong công việc thì con đường đi phía trước sẽ khó khăn đến dường nào.

Khả năng phục hồi, chịu đựng căng thẳng và sự linh hoạt là 3 yếu tố người lao động cần có trong thời đại mới. Đây sẽ là “vũ khí” giúp ta thích nghi và làm quen với bất cứ sự thay đổi nào của nền kinh tế. Ta có thể thấy rõ vai trò của kỹ năng mềm này khi đại dịch Covid -19 ập đến, nhiều công ty phá sản dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Nếu ta không chủ động chuẩn bị tâm lý vững vàng sẽ rất dễ bị đào thải mà mất đi sự tín nhiệm từ cấp trên.

Hiện nay, nhiều nhà tuyển dụng cũng thay đổi các tiêu chí để đánh giá ứng viên, đề cao các kỹ năng tư duy, phản biện nhất là khả năng phục hồi, sự linh hoạt trong công việc. Để trở thành ứng viên tiềm năng, có được công việc mơ ước ngay từ bây giờ bạn hãy rèn luyện cho bản thân để trở thành một người linh hoạt, có trách nhiệm và luôn giữ thái động sống tích cực lạc quan.

Khả năng chịu đựng căng thẳng và linh hoạt trong công việc

3. 5 cách rèn luyện khả năng phục hồi, chịu đựng căng thẳng và sự linh hoạt

Kỹ năng chuyên môn thì có thể học ngay nhưng kỹ năng mềm phải cần thời gian để rèn luyện và tích lũy. Tham khảo ngay 5 cách dưới đây để nâng cao khả năng phục hồi, chịu đựng căng thẳng và sự linh hoạt mỗi ngày.

Kết nối với mọi người xung quanh

Giãn cách xã hội và làm việc từ xa có thể khiến mọi người xa cách nhau hơn. Dù vậy sự kết nối sẽ giúp ta gỡ bỏ nút thắt trong lòng, giải tỏa mọi buồn bực. Bạn hãy dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với bạn bè và tâm sự cùng gia đình, đây cũng là cách giúp ta rèn luyện khả năng phục hồi, lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Không những thế, trong một vài tình huống nhờ vào các mối quan hệ mà ta có thể dễ dàng giải quyết vấn đề, loại bỏ căng thẳng.

Khả năng chịu đựng căng thẳng và linh hoạt trong công việc

Chấp nhận thất bại

Người ta vẫn thường nói “Thất bại là mẹ thành công”, chính chúng ta có thể học hỏi nhiều điều từ sai lầm của bản thân. Đó chính là cách ta chấp nhận nghịch cảnh, khó khăn để bản thân trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn đừng lo sợ thất bại mà không dám hành động, nói lên ý kiến cá nhân mà làm tuột mất nhiều cơ hội quý giá. Rồi một ngày thành công sẽ mỉm cười sau bao cố gắng, nỗ lực thầm lặng.

Trang bị các kỹ năng của “tương lai”

Thay vì yêu cầu cao về trình độ học vấn, các doanh nghiệp hiện nay đang tìm kiếm các kỹ năng tư duy phản biện nâng cao, kỹ năng công nghệ và tư duy phân tích ở người lao động. Bây giờ cũng là thời điểm thích hợp để ta lập kế hoạch và phát triển các kỹ năng, tận dụng thời gian để phát triển các kỹ năng mềm cần thiết trong tương lai. Trang bị các kỹ năng mềm giúp ta làm chủ, linh hoạt trong công việc dù có bất cứ tình huống bất ngờ nào xảy ra.

Đọc sách mỗi ngày

Đọc sách không chỉ để giải trí, thư giãn mà nó còn giúp ta định nghĩa lại hạnh phúc, tiếp thu nhiều hệ tư tưởng mới. Mỗi ngày chỉ cần dành ra 20 phút, bạn sẽ cảm nhận rõ sự thay đổi của bản thân, về cách ta nhìn nhận vấn đề và kiểm soát cảm xúc. Đây cũng là cách giúp ta cân bằng cuộc sống, nhìn lại chính mình để trở thành một phiên bản tốt hơn.

Khả năng chịu đựng căng thẳng và linh hoạt trong công việc

Luôn quan tâm đến sức khỏe

Cho dù bạn đang làm việc từ xa hay trở lại văn phòng, bạn phải biết cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Khoa học cũng đã chứng minh chỉ khi nào thể trạng ở mức tốt nhất mới có thể giúp chúng ta đưa ra những quyết định sáng suốt, chính xác nhất. Khi có một sức khỏe tốt, ta có thể nhìn cuộc sống theo chiều hướng tích cực, luôn yêu đời và lạc quan trong cuộc sống. Chế độ dinh dưỡng hợp lý chính là chìa khóa giúp ta bảo vệ bản thân và sự nghiệp.

Đại dịch Covid tuy lấy đi nhiều thứ nhưng cũng là cơ hội để ta nhìn nhận lại bản thân, trau dồi thêm nhiều kỹ năng mới nhất là khả năng phục hồi, chịu đựng căng thẳng và sự linh hoạt. Mong rằng bài viết sẽ giúp cho bạn trong việc rèn luyện và nâng cao khả năng phục hồi, chịu đựng căng thẳng và sự linh hoạt trong công việc. Hãy theo dõi Work Smart để hiểu thêm về nhiều kỹ năng khác nhé!

 

Người viết: Phạm Thu Huyền

Nguồn: Tham khảo & Tổng hợp

447 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page