top of page

PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG MỀM DỄ DÀNG TRONG THỜI ĐẠI SỐ 2021

Đã cập nhật: 26 thg 6, 2021

Vì sao kỹ năng mềm lại chiếm ưu thế lớn trong xã hội? Làm sao để phát triển những kỹ năng bản thân hiện đang thiếu? Trong bài viết dưới đây, WorkSmart sẽ giúp bạn lý giải thắc mắc trên. Nếu bạn đang quan tâm đến vấn đề này, hãy dành ít phút theo dõi để không bỏ lỡ những thông tin hữu ích nhé! WorkSmart luôn đồng hành cùng bạn!

Nội dung bài viết

1. Kỹ năng mềm là gì?

2. Tầm quan trọng của kỹ năng mềm

3. Những kỹ năng mềm bạn nhất định phải có

3.1. Kỹ năng giao tiếp (Communication Skills)

3.2. Kỹ năng làm việc nhóm (Teamwork Skills)

3.3. Kỹ năng tư duy phản biện (Critical Thinking Skills)

3.4. Kỹ năng thương thuyết, đàm phán (Negotiation Skills)

3.5. Kỹ năng quản lý thời gian, công việc (Time Management Skills)

4. Phát triển kỹ năng mềm trong thời đại số 2021

1. Kỹ năng mềm là gì?

Kỹ năng mềm (Soft Skills) là những kỹ năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tính cách mỗi con người. Kỹ năng này, không thể đo lường bằng một số liệu cụ thể, nhưng nó được thể hiện rõ qua suy nghĩ và hành động của từng cá nhân khi được đưa vào một tình huống cụ thể. Đây là kỹ năng vô cùng quan trọng trong xã hội ngày nay.

Có ba yếu tố để đánh giá năng lực của con người đó là: Kiến thức chuyên môn, Kỹ năng, Thái độ. Kỹ năng mềm nằm trong yếu tố “Kỹ năng”, và phần còn lại được gọi là kỹ năng cứng.

2. Tầm quan trọng của kỹ năng mềm

Ở khía cạnh xã hội, kỹ năng mềm được xem là chìa khóa trong việc mở rộng các mối quan hệ và thể hiện cho thế giới xung quanh biết “bạn là ai”. Người tích lũy được nhiều kỹ năng, là người luôn dễ dàng vượt qua các thử thách khó nhằn.

Xét theo khía cạnh công việc - một khía cạnh chắc hẳn được khá nhiều bạn đọc quan tâm đến, kỹ năng mềm lại càng quan trọng hơn nữa. Bởi đây chính là một trong những thước đo giá trị mà bạn mang đến cho doanh nghiệp.

Theo thống kê từ Wikipedia, kỹ năng mềm quyết định đến 75% sự thành đạt của mỗi cá nhân trong xã hội.

Trên thực tế, kỹ năng mềm rất được xem trọng trong công việc. Nhưng điều đáng lo ngại là nó chưa thật sự được chú trọng trong các bài giảng dạy tại trường học, hoặc nếu có, cũng chỉ được dạy sơ sài và không đủ để áp dụng trong thực tiễn.

Hầu hết, sinh viên khi ra trường đều không thể xác định bản thân có những kỹ năng nào và làm cách nào để có đáp ứng yêu cầu từ nhà tuyển dụng. Đương nhiên, đây không phải là ý kiến chủ quan từ WorkSmart, mà điều này đã được kiểm chứng từ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự.

- Trong bài diễn thuyết của TS.Nguyễn Chí Hiếu - nhân vật xuất sắc dành được học bổng IMF chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Stanford, tại buổi hội thảo REDEFINING TALENTS diễn ra tại trường PTLC Olympia vào ngày 09/01/2020; đã nói rằng 90% lãnh đạo doanh nghiệp như Microsoft, Google nhận thấy sinh viên ra trường không đủ kỹ năng làm việc, kể cả người tốt nghiệp từ những trường thuộc Top 20 như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) hay Đại học Stanford (Trích dẫn từ báo Vnexpress.net).

- Ngoài ra, anh cũng dẫn lại một câu nói nổi tiếng của nhà báo Thomas Friedman để nhắn nhủ với người trẻ: "Kỷ nguyên sáng tạo đòi hỏi nhiều hơn là những thước đo cũ kỹ kia. Nó quan tâm đến những kỹ năng mềm của bạn - năng lực lãnh đạo, tính khiêm nhường, khả năng hợp tác, khả năng thích nghi và niềm yêu thích học tập, cải thiện bản thân."

Trong một số ngành đặc thù như Hàng không, kỹ năng mềm là một yêu cầu bắt buộc. Các kỳ thi tuyển Tiếp viên Hàng không của các hãng, đều có một vòng thi Kỹ năng mềm. Ở đây, WorkSmart sẽ lấy minh chứng cụ thể về Hãng hàng không VietNam Airlines, vòng thi thứ 4 mà hãng đưa ra các ứng viên là “Team Building - Kỹ năng làm việc nhóm” (Nội dung thi có thể thay đổi theo từng năm).

3. Những kỹ năng mềm bạn nhất định phải có

Sau khi tổng hợp đa số các yêu cầu từ nhà tuyển dụng, WorkSmart đã chọn lọc ra 5 kỹ năng mềm cơ bản mà bạn nhất định phải có để có thể đáp ứng mọi tính chất công việc:

3.1. Kỹ năng giao tiếp (Communication Skills)

Trước tiên bạn cần nắm rõ, kỹ năng giao tiếp không chỉ được thể hiện qua lời nói, cử chỉ, nét mặt, mà còn được thể hiện qua cách bạn truyền tải nội dung đến người khác trong văn viết: tài liệu, báo cáo, email,...

Mục đích chung mà kỹ năng này hướng tới là làm thế nào để người khác có thể hiểu được rõ thông điệp của bạn, và ngược lại bạn cần lắng nghe để thấu hiểu được những gì họ muốn từ mình. Khi bạn đạt tới ngưỡng bạn và người bạn đang giao tiếp cùng, trở nên đồng điệu trong cảm xúc tức là bạn đã thành công ở kỹ năng này.

3.2. Kỹ năng làm việc nhóm (Teamwork Skills)

Ở mỗi môi trường khác nhau, dù là trong công việc hay xã hội, bạn không thể lựa chọn làm việc với người mình thích. Cho dù bạn có thật sự nổi bật khi đứng một mình, nhưng khi trí lực của các cá thể được tập hợp lại thành một, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

Thái độ bạn cần có khi hoạt động nhóm; chính là sự khiêm nhường, lắng nghe, chủ động đóng góp ý kiến và tôn trọng lẫn nhau.

Một câu tục ngữ chứng minh sự đoàn kết luôn mang lại sức mạnh to lớn, mà ai trong chúng ta cũng đã quá quen thuộc: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

3.3. Kỹ năng tư duy phản biện (Critical Thinking Skills)

Chắc chắn bạn không thể lường trước được tình huống nào sẽ xảy ra với mình trong tương lai. Nếu bạn không có sự chuẩn bị trước, đương nhiên, bạn sẽ giải quyết theo cách tạm bợ và có thể làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Lúc này, kỹ năng tư duy phản biện sẽ có vai trò bao quát tình hình để phân tích và đánh giá, giúp bạn sớm nhận ra điểm khúc mắc và phản ứng kịp thời để giải quyết vấn đề hiện hữu một cách khả thi nhất.

3.4. Kỹ năng thương thuyết, đàm phán (Negotiation Skills)

Nói một cách thực tế, trong tất cả các cuộc thương lượng, bạn luôn mong muốn tối đa hóa lợi ích cho bản thân. Điều bạn cần lúc này chính là kỹ năng đàm phán; đây là kỹ năng kết hợp giữa giao tiếp, thuyết phục và thiết lập chiến lược.

Bạn đừng hiểu sai về khái niệm tối đa hóa lợi ích cho bản thân có nghĩa là phải cố tranh cãi để thắng được phương nhé. Lợi ích ở đây không chỉ là những thứ bạn có được ở hiện tại và quan trọng hơn hết là phải duy trì được mối quan hệ bền vững.

Đàm phán là một nghệ thuật, đã là một nghệ thuật thì điều giá trị nhất nằm ở “cái đẹp”. “Cái đẹp” mà WorkSmart đề cập ở đây, có thể nói là một cái kết tốt đẹp cho mọi người. Cụ thể hơn, là đôi bên cùng có lợi (win-win). Đặc biệt, sau khi kết thúc đàm phán, bạn cần để lại trong họ những ấn tượng tích cực.

3.5. Kỹ năng quản lý thời gian, công việc (Time Management Skills)

Chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại, tốc độ phát triển nhanh chóng và thời gian không sẵn sàng để đợi chờ bạn. Giả sử một ngày, công ty giao cho bạn một núi công việc và bắt bạn phải hoàn thành ngay. Nếu cứ mãi loay hoay không biết phải làm cái gì trước, cái gì sau chắc chắn bạn đang tiêu tốn khá nhiều năng lượng đấy.

Vậy làm sao bạn có thể giải quyết ổn thỏa để vừa làm hài lòng sếp mà vẫn cân bằng được cuộc sống của bạn? Câu trả lời chính là bạn cần quản lý thời gian và công việc. Bạn cần tạo ra một “Danh sách công việc cần làm”, sau đó sắp xếp chúng vào các khung giờ cố định.

Lợi ích đầu tiên của kỹ năng này, là giúp bạn tiết kiệm năng lượng, tối ưu được thời gian của mình. Thứ hai, khi bạn đã vạch ra một kế hoạch cụ thể, bạn sẽ xác định được cái nào cần ưu tiên nhất và cái nào cần loại bỏ để không làm ảnh hưởng tới tiến độ công việc. Thực hiện theo những bước đi chắc chắn sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với các mục tiêu và mục đích.

Ngoài những kỹ năng cơ bản trên, còn rất nhiều kỹ năng khác trong xã hội mà bạn có thể tích lũy, trau dồi thêm nếu muốn nâng tầm giá trị bản thân, mở rộng các mối quan hệ và thuận lợi trong công việc.

4. Phát triển kỹ năng mềm trong thời đại số 2021

Phát triển các kỹ năng mềm cũng là một trong những cách làm giàu CV và thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn chính là người phù hợp với vị trí công việc đó. Thời đại công nghệ số phát triển vượt bậc như hiện nay, chính là bước đệm hỗ trợ bạn bật tung giá trị của mình lên một tầm cao mới. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm bất kì thông tin nào đó, chỉ bằng một cú click chuột.

Bạn đừng quá lo lắng nếu thấy rằng bản thân đang thiếu hụt kỹ năng trầm trọng. Chỉ cần bạn chịu học hỏi, sử dụng thời gian thông minh hơn, WorkSmart tin rằng quả ngọt sẽ sớm đến với bạn.

Picture Source: https://bit.ly/3guHBJ2

Không để bạn chờ lâu, WorkSmart sẽ gợi ý cho bạn những hình thức phổ biến có thể phát triển kỹ năng mềm của bản thân ngay dưới đây:

i/ Tham gia các câu lạc bộ tại trường, các tổ chức phi chính phủ như AIESEC, V.E.O,...

ii/ Đăng kí các hoạt động ngoại khóa được tổ chức tại trường, hoặc bất kì ở đâu bạn tin tưởng như: Thể thao, văn nghệ, thiện nguyện,...

iii/ Tham gia các buổi hội thảo, đối thoại có sự góp mặt của các doanh nhân, chuyên gia có tầm ảnh hưởng trong mỗi lĩnh vực.

iiii/ Đọc những tựa sách hữu ích cho kỹ năng như: Tư duy nhanh và chậm - tác giả Daniel; Nghệ thuật đàm phán đỉnh cao - của nhiều tác giả; 7 thói quen hiệu quả - tác giả Stephen Covey; Kỹ năng mềm thế hệ Z - tác giả Bruce Turgan,...

iiiii/ Website cung cấp khóa học online đào tạo kỹ năng mềm: Coursera.com, Alison.com, Skillshare.com,...

Rất vui vì bạn đã theo dõi bài viết đến cuối cùng. WorkSmart tin rằng, dù bạn là ai trong thế giới này, bạn cũng sẽ là một cá thể nổi trội, chỉ là bạn chưa thật sự hiểu rõ bản thân để phát triển những kỹ năng đó thôi. Hi vọng qua bài viết này, WorkSmart đã tiếp thêm bước đệm để bạn tiến gần hơn với cơ hội của mình. Đừng quên đồng hành cùng WorkSmart trong những bài viết sắp tới. Thân ái!

5 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page