top of page
  • Ảnh của tác giảHRD

3 phương pháp rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp

Kỷ nguyên mà chúng ta hiện đang sống và làm việc là một kỷ nguyên luôn đòi hỏi sự đột phá, linh hoạt. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp đang không ngừng tìm cách để phát triển nguồn nhân lực của họ ngày một thích nghi hơn trên mọi phương diện. Vậy để bản thân trở thành một nhân sự “đắt giá” trong tổ chức, bạn đã biết cách rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp hay chưa? Nếu bạn chưa thể đưa ra lời giải đáp, hãy để WorkSmart giúp bạn tìm hiểu về 3 phương pháp hữu ích ngay trong bài viết dưới đây.

Kỹ năng nghề nghiệp là những khả năng mà một nhân viên có thể ứng dụng vào trong công việc của mình. Kỹ năng nghề nghiệp được phân chia thành 3 nhóm, bao gồm: Kỹ năng mềm (kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, lãnh đạo, sắp xếp công việc…), kỹ năng chuyên môn (tùy theo lĩnh vực/ ngành nghề) và kỹ năng phân tích.

Để có thể thích nghi cũng như đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực linh hoạt trong doanh nghiệp, bạn nên cân nhắc đến 3 phương pháp mà WorkSmart sẽ giới thiệu ngay sau đây.

1. Phát triển theo chiều dọc (Vertical Growth)


Phát triển theo chiều dọc, hay còn một cách gọi khác là theo hình chữ I, nghĩa là bạn chọn phát triển kỹ năng chuyên sâu, con đường nghề nghiệp trong một lĩnh vực cụ thể từ thấp lên cao. Người lựa chọn theo đuổi xu hướng phát triển này thường tập trung vào việc được thăng chức, nhằm đạt được chức danh cao hơn tại vị trí công việc hiện tại. Ví dụ: Bạn bắt đầu làm việc tại vị trí Junior, và dần dần tiến lên vị trí lên Manager.

Với hình thức này, bạn sẽ di chuyển dần theo thời gian từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất mà bản thân có thể đạt được. Phát triển theo chiều dọc sẽ giúp bạn được đào sâu vào chuyên môn, được thăng chức lên các cấp quản lý và tăng lương theo chiều dọc.

Đi kèm theo đó là bạn có thể cảm thấy nhàm chán sau khi làm việc trong cùng một lĩnh vực xuyên suốt trong nhiều năm liền, thiếu thử thách và cơ hội học hỏi những điều mới mẻ. Nói cách khác, bạn có thể trở thành “master” trong một lĩnh vực cụ thể, nhưng mãi chẳng thể khám phá, lĩnh hội được cái hay ở những vị trí công việc khác.

Kỹ năng nghề nghiệp

2. Phát triển theo chiều ngang (Horizontal Growth)


Trái với phát triển theo chiều dọc, sự nghiệp được phát triển theo chiều ngang nghĩa là bạn tập trung vào việc tạo ra giá trị cho bản thân và doanh nghiệp của bạn bằng cách tăng kiến thức. Hiểu đơn giản hơn đó là khi bạn chuyển đổi công việc qua các phòng ban khác nhau trong một công ty. Ví dụ: Bạn chuyển từ phòng Marketing sang phòng R&D.

Việc chuyển đổi qua các bộ phận khác sẽ giúp bạn có cơ hội học hỏi nhiều lĩnh vực và mở rộng thêm nhiều kỹ năng công việc khác nhau, phát triển năng lực và tăng khả năng đón nhận thử thách. Hơn thế, bạn còn giải mã được bản thân thực sự yêu thích lĩnh vực công việc nào và mở rộng mối quan hệ, cũng như tầm hiểu biết thông qua việc trải nghiệm tại nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này chính là thu nhập có thể bị biến động, không thể thỏa mãn bản thân nếu như mức sống của bạn đang ngày càng tăng cao. Bởi khi chuyển đổi đến lĩnh vực khác, nghĩa là bạn có thể sẽ phải bắt đầu lại từ vị trí thấp nhất, lúc này bạn cũng giống như “người học việc” tại lĩnh vực mới mẻ này. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi một cách quá thường xuyên, mà không tìm hiểu sâu có thể gây ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp và chức danh thăng tiến chậm.

3. Phát triển theo hình chữ T


Phương pháp phát triển theo hình chữ T chính là sự kết hợp của hai cách thức trên. Với hình thức này, bạn vừa có thể phát triển kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực, đồng thời cũng hiểu biết rộng về nhiều lĩnh vực khác.

Ưu điểm mà phương pháp này mang lại là bạn vừa sở hữu năng lực chuyên môn, vừa có khả năng xem xét vấn đề từ nhiều góc độ và cộng tác hiệu quả với các phòng ban khác. Đây cũng là một phương pháp hữu dụng mà bất kỳ bạn trẻ nào cũng nên thử áp dụng vào việc học tập.

Trên hết, để phát huy tính hiệu quả của phương pháp phát triển theo hình chữ T, bạn cần đánh giá lại những kiến thức, kỹ năng hiện có dựa trên mức độ vận dụng thực tế và điểm thiếu sót nào còn tồn đọng. Từ đó, bạn có thể đưa ra quyết định là bản thân phải tu bổ thế nào để cải thiện kiến thức/ kỹ năng ấy. Sau đó, xem xét và lên một bảng danh sách về những kỹ năng/ lĩnh vực bạn muốn đào sâu, hay học hỏi thêm nhằm phục vụ cho lộ trình nghề nghiệp đã định hướng.

Phát triển theo hình chữ T là một phương pháp đòi hỏi yếu tố nhẫn nại, kiên trì. Tuy nhiên, đây lại là một trong những phương pháp tốt nhất giúp bạn rèn luyện tư duy học tập và phát triển sự nghiệp của bản thân.

Kỹ năng nghề nghiệp

WorkSmart hy vọng đã đem đến cho bạn những phương pháp hữu ích nhằm phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Hãy tìm hiểu con đường mà mình đang đi để đưa ra lựa chọn phù hợp. Mong rằng bài viết đã tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực và cảm hứng cho bạn chinh phục biển tri thức rộng lớn của nhân loại.


Nguồn: Sưu tầm & Tổng hợp

5 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page